Đánh giá Hermann Fegelein

Các nhà sử học William L. Shirer và Ian Kershaw mô tả Fegelein là người tự tư tự lợi và đáng chê trách[48][49]; Albert Speer gọi ông là "một trong những kẻ đáng ghê tởm nhất xung quanh Hitler" [71]. Fegelein là một kẻ cơ hội tự kết thân với Himmler, người đổi lại đã giao cho ông những nhiệm vụ tốt nhất - chủ yếu liên quan đến kỵ binh - và thăng cấp nhanh chóng trong lực lượng SS [1][72]. Nhà sử học Henning Pieper, người đã nghiên cứu khoảng thời gian cho đến tháng 3 năm 1942, lưu ý rằng việc Fegelein không được đào tạo chính thức như một sĩ quan đã dẫn đến những khiếm khuyết trong cách chuẩn bị cho Lữ đoàn kỵ binh SS tại ngũ [73]. Theo quan điểm của Pieper, Fegelein đã nhiều lần thổi phồng về khả năng sẵn sàng chiến đấu của đội quân do mình chỉ huy và phóng đại thành tích của họ để được coi là một nhà lãnh đạo đáng được đề bạt và vinh danh [74]. Phân tích sai lầm của Fegelein về sự sẵn sàng của lữ đoàn mà ông chỉ huy đã dẫn đến việc sử dụng lực lượng này từ tháng 12 năm 1941 đến tháng 3 năm 1942 trong các tình huống chiến đấu không phù hợp và chưa được đào tạo [75]; tuy nhiên, khi tình hình quân sự ngày càng xấu đi, cuối cùng họ sẽ nhận được các nhiệm vụ tiền tuyến bất kể họ đã sẵn sàng đến đâu [76]. Đến cuối tháng 3 năm 1942, lữ đoàn đã bị thương vong 50%, cao hơn nhiều so với các đơn vị quân đội được triển khai trong cùng khu vực chiến trường [77].

Cha mẹ Fegelein và em trai Waldemar Fegelein sống sót sau chiến tranh [78]. Gretl Braun, người được thừa kế một số đồ trang sức có giá trị của Eva Braun, cũng sống sót sau chiến tranh. Cô sinh một con gái (tên là Eva Barbara Fegelein, theo tên người dì quá cố của cô) vào ngày 5 tháng 5 năm 1945 [50]. Eva Fegelein tự vẫn vào ngày 25 tháng 4 năm 1971 sau khi bạn trai của cô qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi [50]. Gretl Braun-Fegelein chuyển đến Munich và tái hôn năm 1954. Bà mất năm 1987, thọ 72 tuổi [50].